Xuất nhập khẩu ngày 21-23/11: Việt Nam xuất siêu 19,42 tỷ USD, người Việt chi gần 1,9 tỷ USD để mua ô tô ‘ngoại’

TGVN. Xuất siêu 19,42 tỷ USD tính đến ngày 15/11, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, người Việt chi gần 1,9 tỷ USD để mua ô tô ‘ngoại’… là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 21-23/11.

Xuất siêu 19,42 tỷ USD tính đến ngày 15/11

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư lớn, với con số xuất siêu 19,42 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2020 (1-15/11) đạt 23,15 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 3,71 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2020.

Kết quả trong nửa đầu tháng 11 đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đến hết ngày 15/11 đạt 463,11 tỷ USD, tăng 12,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 11 đạt 11,54 tỷ USD, giảm 2,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 10/2020. Hết 15/11, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 241,26 tỷ USD, tăng 4,9% tương ứng tăng 11,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Ở chiều nhập khẩu, tổng trị giá trong kỳ 1 tháng 11 đạt 11,61 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 740 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2020. Hết 15/11, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 221,85 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 1,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù suy giảm trong nửa đầu tháng 11, song tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì đà tăng, trong đó xuất siêu là điểm sáng.

Trước đó, trong 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa đã xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD. Con số xuất siêu này đã vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc nhiều nhất, với 2,04 triệu tấn, trị giá 845,65 triệu USD, tiếp đến là thị trường Malaysia, Singapore…

Trong tháng 10/2020, nhập khẩu xăng dầu từ đa số thị trường hồi phục so với tháng 9/2020, sau những tháng liên tiếp trước đó giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do hoạt động nhập khẩu phụ thuộc vào thời điểm doanh nghiệp ký giao nhận xăng nên có tình huống lượng nhập dồn vào một thời điểm.

Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Trung Quốc tuy chỉ ở mức 43.915 tấn, nhưng tăng 601% so với tháng 9/2020 (6.265 tấn); Malaysia tăng 39,3% về lượng và tăng 46,8% kim ngạch so với tháng 9/2020, đạt 188.168 tấn; nhập khẩu từ Thái Lan tăng 26,6% về lượng và tăng 30,3% về kim ngạch, đạt 76.262 tấn, trị giá 26,56 triệu USD; nhập khẩu từ Hàn Quốc trong tháng 10 vẫn cao nhất, đạt 144.634 tấn, trị giá 58,79 triệu USD.

Những năm gần đây, nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc ở mức cao là bởi theo theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu xăng dầu đã giảm còn 10% từ năm 2016. Bên cạnh đó, từ năm 2018, mức thuế nhập khẩu đối với dầu các loại (trừ dầu mazut đang áp dụng mức 0%) theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) được điều chỉnh từ mức 5% về 0%.

Dự báo trong thời gian tới, Hàn Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam, tiếp theo là Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Nhập khẩu thủy sản giảm trong tháng 10

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng thủy sản các loại của cả nước đạt trên 1,45 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tháng 10/2020, nhập khẩu thủy sản đạt 143,25 triệu USD, giảm 11,9% so với tháng 9/2020.

Trong tháng 10/2020, nhập khẩu thủy sản từ đa số các thị trường sụt giảm kim ngạch so với tháng 9/2020, trong đó giảm mạnh ở một số thị trường như: Ấn Độ giảm 29%, đạt 19,58 USD; Đông Nam Á giảm 16,6%, đạt 20,14 triệu USD; Na Uy giảm 19%, đạt 11,6 triệu USD; Indonesia giảm 14,5%, đạt 15,53 triệu USD.

Ngược lại, nhập khẩu tăng từ các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 52,3% so với tháng 9/2020, đạt 10,26 triệu USD; Thái Lan tăng 145,9%, đạt 3,05 triệu USD; Đan Mạch tăng 132%, đạt 1,92 triệu USD.

Ấn Độ là thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2020, đạt 208,42 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại của cả nước. Tiếp đến thị trường Đông Nam Á đạt 165,61triệu USD, tăg 3,3%, chiếm 11,4%; thị trường Na Uy đạt 160,36 triệu USD, giảm 7,7%, chiếm tỷ trọng 11%; Nhật Bản đạt 132,85 triệu USD, chiếm 9,2%, tăng 21%.

Người Việt chi gần 1,9 tỷ USD để mua ô tô “ngoại”

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, Việt Nam nhập hơn 86.300 chiếc xe nguyên chiếc, trị giá gần 1,9 tỷ USD và 3,2 tỷ USD các loại linh kiện ô tô.

Như vậy, tổng số tiền mà người Việt bỏ ra để nhập khẩu ô tô và các linh kiện liên quan là hơn 5,09 tỷ USD, giảm hơn 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của việc giảm sút về sản lượng, kim ngạch hàng hóa là do đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, trong các tháng gần đây, lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh. Riêng tháng 10, lượng xe con nhập về đạt hơn 10.300 chiếc, tháng 9 là hơn 9.700 chiếc, tháng 8 là hơn 6.100 chiếc.

Tỷ lệ xe con trong cơ cấu xe nhập vẫn luôn đạt 75-80% số xe vào Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà nhập khẩu xe bắt đầu chiến dịch tăng doanh số bán xe du lịch trong mùa xe cuối năm.

Hiện nay, xe con nhập khẩu bán ra trong nước vẫn chiếm đa số là xe Thái Lan và xe Indonesia với giá nhập về trung bình là 350 triệu đồng đến ngưỡng 1,2 tỷ đồng. Các nước như Thái Lan, Indonesia có lợi thế về quy mô sản xuất, được miễn thuế xe hơi và có những mẫu xe giá phù hợp lâu nay đã chiếm thị phần khá lớn tại Việt Nam.

Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến 15/11, cả nước nhập khẩu 86.299 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,9 tỷ USD.Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận nửa đầu tháng 11, cả nước chi gần 195 triệu USD nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đạt 3,25 tỷ USD.

Nguồn: baoquocte

Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.

SMARTLINK VISION: BEST SERVICE, BEST YOU

partnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartner