Gần 96.000 tỉ đồng cho đề án logistics TP.HCM
Sở Công Thương TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án này là một trong số 45 đề án thuộc chương trình đột phá, trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025)
NHẬN DIỆN HẠN CHẾ HẠ TẦNG
Theo nội dung đề án, kết quả nghiêm cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN (VLA) cho thấy, năm 2017 tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc giá là 18%. Ở TP.HCM, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp năm 2018 đạt 12%, năm 2019 đạt 14,7%; tỷ trọng đó góp vào GRDP năm 2018 ước đạt 8,3% và năm 2019 đạt xấp xỉ 8,7%.
TP.HCM có hơn 1.500 kho hàng nhưng phần lớn phát triển tự phát, quy mô không đồng đều, khai thác chưa hiệu quả, vận hành không chuyên nghiệp. Về vận tải biển, cụm Tân Cảng Cát Lái trong sông Đồng Nai đang bị quá tải, giao thông tắc nghẽn vào giờ cao điểm; còn cụm Tân Cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp nhỏ lẻ, sản lượng không đáng kể.
Nhìn chung, cụm cảng khu vực TP.HCM thiếu liên kết, luồng vào và độ sâu bến thường hẹp và nông, nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động.
Trong khi đó, cảng hàng không, ga hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị hạn chế về thời gian lưu thông, thường xuyên bị kẹt…
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với các khu vực khác chủ yếu qua tuyến quốc lộ vốn bị quá tải, trong khi đó các dự án cao tốc chậm triển khai, tuyến vành đai chưa khép kín làm giảm năng lực vận chuyển hàng hóa. Theo nghiên cứu của VLA, cơ cấu chi phí logistics ở VN bao gồm 60% chi phí vận tải, 21% cho hoạt động xếp dỡ và 12% là kho bãi. Vận tải đường bộ là loại hình chiếm hơn 77% thị phần vận tải, nhưng tình trạng mất cân đối giữa chiều đi – về gây ra lãng phí lớn…
THÀNH LẬP 7 TRUNG TÂM LOGISTICS
Theo đánh giá của đề án, ngành logistics ở VN có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển trong thời gian tới. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp, các doanh nghiệp logistics đa quốc gia hàng đầu thế giới đều đã có mạt tại VN. Quy mô thị trường tuy nhỏ (chừng 2 – 4%), nhưng tốc độ tăng trưởng lên đến 20 – 25% cùng với nguồn nhân lực dồi dào, hầu hết là thế hệ trẻ năng động, tiếp cận công nghệ nhanh. Với vị thế sát bờ biển, ngành logistics VN được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh, có thể đạt 80 – 105 TEU vào năm 2030.
Qua phân tích, đánh giá những hạn chế và lợi thế của ngành logistics, đề án đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2025 đạt 15% và năm 2030 đạt 20%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP năm 2025 đạt 10% và tăng lên 12% vào năm 2030; qua đó góp phần kéo giảm chi phí logistics bình quân cả nước xuống còn 10 – 15% vào năm 2025. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020 – 2030 khoảng 95.800 tỉ đồng để đầu tư cho hạ tầng logistics, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực…
Theo đó, đề án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh thành phía nam, thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường sắt, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức đến các trung tâm logistics.
Đáng chú ý, đề án đề xuất thành lập hệ thống trung tâm logistics tại 7 vị trí, gồm: Long Bình, Cát Lái, Khu công nghệ cao (quận 9), Linh Trung (Q.Thủ Đức), Tân Kiên (H.Bình Chánh), Hiệp Phước (H.Nhà Bè) và tại H.Củ Chi với tổng diện tích giai đoạn 2025 – 2030 đạt khoảng 270 – 623 ha. Đề án cũng đặt mục tiêu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics từng bước được cải thiện, mở rộng thị trường quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực…
(Nguồn báo Thanh Niên)
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.