Thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh sẽ thay đổi thế nào?
Những quy định về cửa khẩu nhập đầu tiên, cửa khẩu xuất cuối cùng, hay việc hàng hóa quá cảnh chia tách, đóng chung với hàng nhập khẩu, xuất khẩu được cụ thể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.
Bổ sung quy định cửa khẩu nhập đầu tiên
Đây là những nội dung nổi bật tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (dự thảo đã được Tổng cục Hải quan hoàn thiện trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ).
Bên cạnh những nội dung trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung nhiều quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập như: bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện quay vòng tạm nhập, tái xuất; bổ sung quy định về thời gian gia hạn và thủ tục gia hạn đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất. Đồng thời, sửa đổi bổ sung quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan tại khoản 1, khoản 4 Điều 54 Nghị định 08/2015/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn, cụ thể, được thực hiện thủ tục hải quan tại chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan chuyển phát nhanh hoặc chi cục hải quan nơi quản lý địa bàn diễn ra sự kiện thể thao. |
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Đào Duy Tám, hiện nay tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP) quy định hàng hóa quá cảnh phải được làm thủ tục tại cửa khẩu nhập đầu tiên, cửa khẩu xuất cuối cùng, tuy nhiên vấn đề bất cập chưa có quy định thế nào là cửa khẩu nhập đầu tiên, cửa khẩu xuất cuối cùng để áp dụng trong trường hợp hàng hóa quá cảnh.
Do vậy, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tại dự thảo Nghị định bổ sung cụ thể cửa khẩu nhập đầu tiên, cửa khẩu xuất cuối cùng tại khoản 20 Điều 1 dự thảo Nghị định (sửa đổi, bổ sung Điều 43 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP).
Một điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi là quy định về khai hải quan trong trường hợp chuyển tải, lưu kho, thay đổi phương thức vận tải, phương tiện vận chuyển. Dự thảo Nghị định không quy định việc khai tờ khai theo từng chặng trong trường hợp có chuyển tải, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải.
Theo đó, doanh nghiệp và các chi cục hải quan liên quan thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của Bộ Tài chính đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, đồng thời, quy định việc gửi đơn đề nghị, tiếp nhận và phản hồi đơn thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Về quy định đối với hàng hóa quá cảnh chia tách, đóng chung với hàng nhập khẩu, xuất khẩu, dự thảo Nghị định bỏ quy định về chia tách, đóng chung hàng hóa quá cảnh với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các địa điểm không phải là khu vực cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.
Theo đó, hàng hóa quá cảnh chỉ được chia tách (lô hàng quá cảnh hoặc chia tách hàng quá cảnh với hàng nhập khẩu) tại cửa khẩu nhập đầu tiên, hàng hóa quá cảnh đóng chung với hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu nhập đầu tiên, cửa khẩu xuất cuối cùng nếu đáp ứng một số điều kiện theo quy định. Đồng thời, để giảm bớt thủ tục hành chính trong trường hợp này, dự thảo Nghị định không yêu cầu người khai hải quan phải có văn bản đề nghị việc chia tách, đóng chung vì các công việc này đang thực hiện trong khu vực cửa khẩu, có sự giám sát của cơ quan Hải quan (tương tự như hàng hóa chia tách trong kho CFS tại cửa khẩu).
Thêm trách nhiệm đơn vị vận chuyển hành lý
Thủ tục đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh cũng được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định để xử lý đối với trường hợp hành khách từ chối nhận hàng.
Theo phân tích của Cục Giám sát quản lý về hải quan, thực tế có nhiều trường hợp, hành lý đi cùng khách trên chuyến bay nhưng khi cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì từ chối nhận hàng, gây khó khăn trong công tác quản lý, trong khi Nghị định chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị vận chuyển hành lý hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp hành lý không xác định được chủ sở hữu và việc xử lý đối với hàng hóa này.
Hiện nay, tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP) mới có quy định về xử lý hàng hóa trong trường hợp hàng hóa mà người xuất cảnh, nhập cảnh gửi kho quá thời hạn. Do vậy, tại khoản 7 Điều 59 dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về trách nhiệm của đơn vị vận chuyển hành lý hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp hành lý không xác định được chủ sở hữu, hành lý không có người nhận.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU