Khởi công giai đoạn 1 sân bay Long Thành: Đánh dấu giai đoạn phát triển mới
Sau nhiều năm chờ đợi, hôm nay (5-1) dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khởi công giai đoạn 1.
Việc khởi công những dự án lớn ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của năm 2021 có thể coi như việc khởi động một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả vùng, nhưng người dân cũng mong muốn dự án làm nhanh, làm sớm hơn để được ổn định cuộc sống.
Dân muốn làm càng nhanh càng tốt
Chúng tôi đi trên tỉnh lộ 769, rẽ vào khu vực làm sân bay ở xã Suối Trầu cũ (nay là xã Bình Sơn, huyện Long Thành) thấy những vườn cao su đã được đốn hạ, chỉ còn đất trống mênh mông để làm dự án. Do quy hoạch và sắp tới người dân phải di dời nên một số nơi như trường học, trụ sở hành chính cũ ở xã Suối Trầu được bố trí cán bộ để giải quyết tạm thời những việc liên quan đến đời sống người dân.
- Ông Đinh Xuân Khánh, người đầu tiên ở ấp Suối Trầu 1 (xã Bình Sơn) nhận tiền đền bù, cho hay mảnh đất làm sân bay cũng là nơi cả ba thế hệ ông lập nghiệp, sinh sống trên diện tích 1,3ha. Ông được bồi thường 6,4 tỉ đồng. Ông thuộc diện hộ chính nên được xét cho bốc thăm lô đất tái định cư 250m2 ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn. Do vậy, ông chọn thời gian thích hợp sẽ ra khu tái định cư cất nhà, còn lại tiền cho con và gửi ngân hàng lấy lãi để hai vợ chồng sống tuổi già vì ông đã 73 tuổi.
- “Phần đất thu hồi của gia đình thuộc giai đoạn 2 của dự án nên chỉ chờ bốc thăm chỗ ở sẽ di dời như những người dân khác. Nghe tin khởi công dự án sân bay chúng tôi mừng lắm. Phải làm nhanh, làm sớm đi. Bao nhiêu người dân đang nóng lòng bởi dân được nghe dự án sân bay cả chục năm rồi” – ông Khánh chia sẻ.
- Nói đến tâm trạng của người dân, ông Nguyễn Thanh Văn – trưởng ấp Suối Trầu 3 – cho biết: “Ấp có khoảng 800 hộ dân sinh sống. Có hộ đã nhận tiền đền bù rồi nhưng có hộ thì diện tích đất rơi vào giai đoạn 2 của dự án nên phải chờ niêm yết, bồi thường. Họ sốt ruột vì muốn nhận tiền đền bù sớm để trang trải cuộc sống”. Ông Văn cũng cho hay ở ấp này có vài chục hộ chưa xác định được chủ sở hữu đất nên chính quyền đang cho niêm yết và thông báo để nhận tiền đền bù.
Tiếp tục lo tái định cư cho dân
Để khởi công được dự án, ông Cao Tiến Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết tỉnh đã tăng cường hơn 100 cán bộ xắn tay cùng với huyện Long Thành để làm ngày làm đêm công tác kiểm đếm, đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm giải quyết có mặt bằng sạch ở khu vực ưu tiên 1.810ha như chỉ đạo của Thủ tướng. “Với nỗ lực như vậy, chúng tôi đã bàn giao gần 2.600ha đất để triển khai giai đoạn 1 của dự án. Phần còn lại của dự án vẫn đang tiếp tục áp giá và cố gắng chi trả đền bù xong cho người dân trong quý 1-2021” – ông Dũng nói.
- Theo ông Dũng, ngoài việc giải quyết bồi thường và bàn giao mặt bằng dự án, tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu ban quản lý dự án tỉnh khẩn trương hoàn thiện các dự án thành phần, tập trung khu tái định cư đồng bộ cho người dân có đất bị thu hồi và đào tạo nghề cho người dân theo lộ trình…
- Trong khi đó ông Lê Văn Tiếp – phó chủ tịch UBND huyện Long Thành – cho hay trên diện tích thu hồi làm dự án sân bay 5.000ha có trên 4.300 hộ dân cần phải tái định cư. Riêng khu vực ưu tiên để khởi công giai đoạn 1 phải tái định cư cho khoảng 800 hộ dân.
- Trước tâm tư của người dân về việc gia đình cho tặng, mua bán giấy tay có được tái định cư, ông Tiếp nói: “Trên toàn bộ diện tích dự án, chúng tôi đã ghi nhận có khoảng 1.200 hộ tách nhỏ lẻ với nhiều hình thức khác nhau, qua từng giai đoạn nên đang xin ý kiến UBND tỉnh cho ý kiến về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra sao cho từng trường hợp. Nhưng chúng tôi tin mọi việc sẽ được giải quyết tốt nhất cho người dân”.
Để đường vào sân bay không bị nghẽn
Trước khi có những hạng mục đầu tiên của dự án sân bay quốc tế Long Thành được khởi công, nhiều bộ ngành, tỉnh thành đã từng ngồi lại tính toán việc kết nối giao thông đồng bộ cho vùng, cho sân bay.
Đó là các dự án giao thông huyết mạch kết nối liên vùng cũng đã được quy hoạch hoặc đang thi công như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành. Rồi đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc – Nam (đoạn Sài Gòn – Nha Trang), đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu… Tuy nhiên, nhìn vào bản đồ quy hoạch, ai cũng thấy bức tranh kết nối hạ tầng rất sinh động nhưng đây đó nhiều dự án vẫn còn ì ạch.
Chẳng hạn, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là một câu chuyện đã và đang diễn ra. Chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác, tuyến này đã tắc nghẽn thường xuyên. Vì vậy, Đồng Nai đã đề xuất mở rộng tuyến cao tốc này cần tính toán đầy đủ lưu lượng xe đi qua cao tốc trong tương lai để tránh trường hợp thay đổi quy hoạch, chồng lấn quy hoạch, làm tăng chi phí bồi thường giải tỏa, vừa tránh áp lực giao thông cho các tuyến nội bộ ở Đồng Nai. Phía TP.HCM cũng kiến nghị hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2) và khi mở rộng cao tốc cần bổ sung các nút giao thông kết nối cao tốc với khu vực phía đông TP.HCM để phát huy hiệu quả của dự án.
- Ông Cao Tiến Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết tỉnh đã giải phóng mặt bằng sẵn để chờ mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng Nai cũng đã nỗ lực giải phóng mặt bằng để làm dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rồi sắp tới là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…
Chuẩn bị tái định cư cho 400 hộ dân ở 2 đường vào sân bay
Đó là tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành (dài 3,8km), quy mô 6 làn xe và tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài 3,5km), quy mô 4 làn xe.
Để làm 2 tuyến đường trên, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay có khoảng 400 hộ cần tái định cư.
Nguồn: tuoitre
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.