Điều chỉnh thuế, doanh nghiệp thép còn cơ hội lãi ‘khủng’?
Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép. Theo đó, cổ phiếu ngành thép – nhóm động lực, dẫn dắt thị trường nửa đầu năm 2021, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.
Soi lợi nhuận ngành thép quý 2
Tuần qua, một số doanh nghiệp thép đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021. Giá thép và sản lượng tiêu thụ cao giúp nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý cao nhất kể từ lúc niêm yết. CTCP Thép Nam Kim (NKG) và CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) công bố mức lợi nhuận ròng tăng lần lượt 49 lần và 11 lần so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp ước tính kết quả kinh doanh theo tháng như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) và CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã: TLH) cũng cho thấy hiệu quả sinh lời ấn tượng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trung bình giá thép xây dựng nội địa trong quý 2/2021 đạt 16,7 triệu đồng/tấn, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm 2020 và 39% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng giá thép cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công và tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Do đó, Bộ trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất, nhằm hạ nhiệt đà tăng của giá thép.
Ông Trần Bá Trung, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, tác động của việc điều chỉnh thuế lần này sẽ không quá lớn đối với các doanh nghiệp thép đang niêm yết. Trong trường hợp chênh lệch giá phôi trong nước và quốc tế không quá lớn, các doanh nghiệp có thể sẽ hạn chế xuất khẩu và chuyển sang bán trong nước hoặc tập trung cán thép thành phẩm.
Mức thuế xuất khẩu phôi thép nếu được áp dụng có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến HPG trong ngắn hạn, tuy nhiên mức độ tác động là không quá lớn. Theo số liệu của VSA, các doanh nghiệp thép nội địa (chỉ tính thành viên của VSA) đã xuất khẩu 748.756 tấn phôi thép vuông trong 5 tháng đầu năm 2021. HPG là doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép vuông lớn nhất, với 560.262 tấn.
Việc tăng thuế xuất khẩu từ 0% lên 5% sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bán phôi thép vào thị trường nội địa, giá phôi thép giảm trong thời gian tới. Nguồn cung thép gia tăng phần nào tác động đến giá thép nội địa
Giả định, HPG tiếp tục xuất khẩu khoảng 100.000 tấn phôi thép/tháng trong 6 tháng cuối năm 2021 và chịu hoàn toàn 5% chi phí thuế xuất khẩu, lợi nhuận trước thuế của công ty sẽ giảm khoảng 435 tỷ đồng, tương đương 1,3% dự phóng lợi nhuận cả năm 2021 của VNDirect. Nửa đầu năm 2021, HPG là mã đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của VN-Index.
Thép nhập khẩu chịu tác động ra sao?
Tình từ đầu năm 2020, giá thép xây dựng nội địa của Việt Nam thường xuyên thấp hơn so với Trung Quốc và hiện tại đang ở mức thấp hơn 8%. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép vào Việt Nam sẽ phải chịu thêm chi phí vận chuyển. Theo Quyết định 918/QĐ-BCT, các sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam đang chịu mức thuế tự vệ 7,9% từ ngày 22/03/2021- 21/03/2022, trước khi bị giảm xuống mức 6,4% từ ngày 22/03/2022- 31/03/2023.
Như vậy, nếu mức thuế nhập khẩu được giảm 5-10% thì giá thép xây dựng Việt Nam vẫn đang rẻ hơn khoảng 20% so với giá thép nhập khẩu. Cũng trong dự thảo của Bộ Tài chính, nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm thép dài được đề xuất giảm thuế nhập khẩu lần này cũng không quá lớn.
Dù không có đủ số liệu về sản lượng thép xây dựng nhập khẩu của Việt Nam, nhưng ông Trung cho rằng, tác động của việc giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép xây dựng lên các doanh nghiệp thép niêm yết là không đáng kể
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, VNDirect dự báo kém khả quan với triển vọng tiêu thụ thép của Việt Nam trong quý 3/2021, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, địa bàn kinh doanh chính của CTCP Thép Pomina (mã: POM) và CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC).
Trong kịch bản tích cực – dịch bệnh sớm được kiểm soát, sản lượng tiêu thụ thép được kỳ vọng sẽ quay lại ở mức cao trong quý 4, khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là lượng hàng tồn kho giá thấp sẽ dần hạn chế, gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong nửa cuối năm 2021.
Doanh thu tăng tốc nhưng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng chậm
Theo thống kê của Fiingroup, tuần qua, 213/1759 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM (chiếm 23% vốn hóa toàn thị trường) công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh cho quý 2/2021. Trong đó bao gồm 11 ngân hàng (chiếm 39,3% vốn hóa ngành) và 198 doanh nghiệp (chiếm 15% vốn hóa khối Phi tài chính).
Doanh thu thuần của 198 doanh nghiệp ước tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước và 19,5% so với quý 1/2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 75,3% so với cùng kỳ năm trước và 22,6% so với quý trước
Mức tăng chung chủ yếu đến từ ngành Tiện ích, Dầu khí và Thép, phần lớn nhờ giá hàng hóa (dầu, LPG và thép) tăng mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng trong quý 3 của các ngành này hiện đang đối mặt với thách thức lớn khi COVID-19 bùng phát trên diện rộng làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ khí của các nhà máy điện khí thường thiếu ổn định vào mùa mưa, Ngoài ra, quý 3 là thấp điểm tiêu thụ thép và giá thép trong nước đang hạ nhiệt.
Doanh thu quý 2/2021 tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng chậm lại |
Đáng chú ý, doanh thu quý 2/2021 của các doanh nghiệp này tăng tốc so với quý 1 nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đã chậm lại dù vẫn duy trì ở mức cao. Bất động sản, Xây dựng & Vật liệu, Hóa chất, Công nghệ Thông tin là những nhóm ngành có lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại trong quý 2 này.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU