CHIẾN SỰ NGA – UKRAINE VÀ XUẤT KHẨU THỦY HẢI SẢN: BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN
Tình hình căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine đã và đang có tác động xấu đến thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam cũng đã gặp phải rủi ro gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp.
Vừa qua, một số container hàng chả cá đông lạnh từ Việt Nam sang Ukraine phải quay đầu vì chiến sự giữa nước này với Nga nổ ra. Tổng thiệt hại cho đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu trong trường hợp kể trên khoảng 5 tỷ VND.
Đây là trường hợp bất ngờ, không lường trước được, làm phát sinh nhiều chi phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản có thể giảm thiểu rủi ro thông qua bảo hiểm cũng như trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của mình.
Tình huống rủi ro thực tế càng trở nên phức tạp khi bao gồm cả các lô hàng đã đến cảng đích và các lô phải quay đầu trên hải trình.
Lô hàng xuất thủy hải sản đã đến Ukraine
Lô hàng đầu tiên cập cảng Odessa 1 ngày trước khi chiến sự bắt đầu. Ngay ngày hôm sau, toàn bộ các hoạt động phải dừng lại do chiến tranh. Lô hàng thủy hải sản đông lạnh kể trên phải lưu cảng 2-3 ngày mới có thể quay đầu về Việt Nam.
Vì vậy, nhà xuất khẩu phải chịu chi phí cho việc chuyên chở hàng hóa cả chiều đi và chiều về. Bên cạnh đó, quá trình lưu container tại cảng, kho, doanh nghiệp phải trả nhiều phí khác như LCC, DEM, DET, PC…
Rủi ro đó gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Người bán không những không được thanh toán tiền hàng mà phải trả thêm chi phí phát sinh cho việc đưa hàng hóa về nước.
Lô hàng thủy hải sản xuất khẩu chưa đến Ukraine
Hành trình của hàng hóa từ Việt Nam đến cảng Odessa phải đi qua cảng Constanta của Romania. Trước khi đến Romania, tàu chở hàng qua Singapore.
Các bên liên quan không cập nhật thông tin kịp thời nên không thể dừng tàu khi đang ở Singapore. Phương án cuối cùng được ra là cho tàu chở hàng đến Romania và quay đầu về Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản phải chịu các chi phí lẽ ra có thể tiết kiệm được nếu thông tin được kiểm soát.
Nhìn chung, cả hai trường hợp trả về của các lô hàng thủy hải sản xuất khẩu nói trên đều gây ra nhiều khoản phụ phí và chi phí lớn cho doanh nghiệp. Quá trình quay đầu về, các container hàng hóa bị tính các phụ phí như CoD, O/F, THC, CAS, PSF khoảng 11,000 USD.
Khi hàng về đầu nhập, doanh nghiệp còn chịu thêm phí DO, THC, CIC, Cleaning… Tổng cộng số tiền phải trả cho 1 lô hàng lên đến hơn 1 tỷ VND. Doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm người mua để bán lại số hàng kể trên. Đây là tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát và gây thiệt hại lớn cho cơ sở xuất khẩu hàng thủy hải sản của Việt Nam.
Bài học thực tiễn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy hải sản
Trong trường hợp rủi ro nói trên, doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu thủy hải sản theo điều kiện CIF. Theo đó, các chi phí thuê phương tiện vận tải và việc mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu là nghĩa vụ của bên bán.
Mọi chi phí liên quan đến vận chuyển và phụ phí đều do người bán chịu. Bên cạnh đó, nhà xuất khẩu thủy hải sản còn ký hợp đồng bảo hiểm. Trên cơ sở hợp đồng và thương lượng, công ty bảo hiểm đã đồng ý chi trả 40% toàn bộ khoản phải trả của doanh nghiệp thủy sản nói trên.
Trường hợp này cho thấy tầm quan trọng của bảo hiểm trong hoạt động ngoại thương. Các rủi ro, đặc biệt là chiến sự như trong trường hợp kể trên đều xuất hiện bất ngờ. Môi trường kinh doanh quốc tế đa dạng và phức tạp càng làm cho rủi ro trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, tình huống trên cũng cho thấy xuất khẩu theo điều kiện CIF mang đến một số thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp như lựa chọn nhà chuyên chở uy tín, hưởng các ưu đãi, mua bảo hiểm cho các rủi ro không lường trước được, tham gia sâu hơn vào quá trình vận chuyển hàng hóa.
Các công ty logistics và giao nhận cũng cần cân nhắc tư vấn cho các khách hàng điều khoản CIF và mua bảo hiểm nói riêng để giảm thiểu thiệt hại phát sinh.
Lô hàng phải được theo dõi thường xuyên, nhất là các lô không được book trực tiếp để có thể cập nhật thông tin kịp thời và có hướng xử lý phù hợp. Cơ sở xuất khẩu thủy hải sản cần lưu ý khi hợp tác với các thương nhân Nga và Ukraine vì họ có xu hướng dễ thay đổi ý kiến, tạo ra sự bị động cho bên còn lại.
Lời kết
Tình huống rủi ro của lô hàng thủy hải sản đông lạnh do tác động của chiến sự Ukraine – Nga đã cho thấy tầm quan trọng của bảo hiểm và tính chủ động trong nắm bắt thông tin. Các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức, điều khoản hợp đồng hợp lý cũng như cập nhật thông tin liên quan thường xuyên để kịp thời xử lý.
Gọi vào hotline: 1900 636 515 để biết thêm thông tin chi tiết
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU