Cần “sếu đầu đàn” dẫn dắt ngành logistics
Chia sẻ về bảy định hướng phát triển logistics gắn với Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá tới năm 2030, chuyên gia nhấn mạnh cần xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đặc biệt nhấn mạnh tới những giải pháp cũng như định hướng phát triển logistics gắn với thực hiện Chiến lược hàng hoá xuất nhập khẩu bởi logistics là mắt xích kết nối tất cả chuỗi xuất khẩu hàng hoá từ sản xuất, tổ chức xuất khẩu tới thị trường.
- Thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Phát triển các dịch vụ logistics trọn gói, đồng bộ, phấn đấu giảm chi phí logistics để tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa.
- Thứ hai, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực. Phát triển logistics hàng không.
- Thứ ba, hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường.
- Thứ tư, Phát triển các dịch vụ logistics lạnh, kho lạnh, container lạnh để phục vụ hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản chất lượng cao.
- Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chia sẻ các lợi thế.
- Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics. Tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực và vươn ra thế giới.
- Thứ bảy, phát triển logistics xanh, logistics ngược nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Có chung quan điểm về phát triển các “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực logistics, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương từng chia sẻ rằng: “Ngay cả các doanh nghiệp logistics lớn liệu có thể tự tin cung cấp được toàn bộ chuỗi dịch vụ từ A – Z hay không, từ các dịch vụ logistics chủ yếu đến các dịch vụ liên quan hay không hay là chỉ cung cấp một số các dịch vụ cơ bản là thế mạnh của doanh nghiệp, còn các dịch vụ khác thì phải để các doanh nghiệp khác lo. Như vậy vô hình trung chính các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, trong đó có cả những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh…”
Theo ông Khanh, nếu tạo ra được các doanh nghiệp dẫn dắt (flagship), ví dụ như một doanh nghiệp logistics lớn trở thành một flagship thì có nhiều doanh nghiệp khác hợp tác, hỗ trợ; khi đó không phải flagship làm hết mà sẽ có những dịch vụ được các đối tác trong chuỗi liên kết thực hiện và liên kết doanh nghiệp này có thể cung cấp full-service – toàn bộ chuỗi dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
“Nếu tạo ra được các “sếu đầu đàn” trong ngành logistics, sẽ giúp cạnh tranh tốt hơn với chính các doanh nghiệp EU, đồng thời là động lực kéo cả ngành phát triển”, ông Ngô Chung Khanh nhận định.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU