VIỆT NAM – LÀ MỘT TRONG NHỮNG 10 THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS
Ngày 26.10 theo VNF, Việt Nam đang nổi bật trên bản đồ toàn cầu với tiềm năng phát triển Logistics hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Sự chú ý đặc biệt đổ về Việt Nam khi quốc gia này ngày càng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nhiều tập đoàn hàng đầu trong ngành.
Theo số liệu từ Precedence Research, thị trường Logistics toàn cầu dự kiến đạt mức 8.960 tỷ USD vào năm 2023 và dự đoán sẽ tăng lên 18,23 nghìn tỷ USD vào năm 2030 với tỷ suất tăng trưởng hàng năm ước tính (CAGR) 10,7% trong giai đoạn này.
Đối với khu vực Đông Nam Á, Insight Partners báo cáo rằng thị trường Logistics đạt 36,4 tỷ USD vào năm 2017 và dự kiến sẽ tăng lên 55,7 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng CAGR 5,5%. Điều này có nghĩa là giá trị Logistics tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng thêm hơn 2 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn này.
Hơn nữa, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thế giới thông qua Bảng Xếp hạng Emerging Markets Index 2023 do Agility, một nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần hàng đầu, công bố. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đã vinh dự nằm trong top 10 thị trường Logistics mới nổi trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 4 về cơ hội Logistics quốc tế (International Logistics Opportunities), đánh dấu vị trí xuất sắc của nước ta trong lĩnh vực Logistics khu vực Đông Nam Á.
Sự phát triển đột phá của thị trường Logistics Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố quan trọng. Vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng vận tải đa dạng (đường bộ, hàng không, đường biển, đường sắt và đường thủy), sự bùng nổ của thương mại điện tử – với doanh thu ước tính 10,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 – đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành Logistics của Việt Nam.
Hiện nay, trong nước đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và Logistics, cùng với sự tham gia của khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thị trường Logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14% đến 16%, đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta, đạt 730,2 tỷ USD vào năm 2022.
Sự phát triển của thị trường Logistics Việt Nam cũng thu hút một lượng lớn vốn FDI từ nhiều tập đoàn hàng đầu trong ngành. Singapore là một ví dụ điển hình, khi quốc gia này đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực Logistics tại Việt Nam. Sáng kiến liên doanh giữa Tập đoàn T&T và tập đoàn Singapore YCH đã khởi công xây dựng Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc vào năm 2021. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành siêu cảng đầu tiên của mạng lưới Logistics thông minh tại khu vực Đông Nam Á.
Năm 2022, Tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) đã hợp tác với liên doanh Becamex IDC để xây dựng Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới rộng 75ha tại Bình Dương. Trung tâm này bao gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho chứa hàng vận chuyển bằng đường hàng không và kho thương mại điện tử xuyên biên giới. Các dự án này đều thể hiện sự quan tâm và cam kết đầu tư vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Logistics Việt Nam.
Gọi vào hotline: 0903 354 157 để biết thêm thông tin chi tiết
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU