Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng, nhưng doanh nghiệp vẫn nhiều lo âu
Những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản đã tăng tốc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản có bước nhảy vọt.
Tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu
Trong những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực phục hồi sản xuất, gia tăng các đơn hàng xuất khẩu sau thời gian chững lại vì dịch Covid-19. Theo thông tin từ Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), trong tháng 5/2022, công ty chế biến tôm thành phẩm phục vụ xuất khẩu 2.000 tấn; sản xuất nông sản 317 tấn, doanh số tiêu thụ chung 22,2 triệu USD. Với kim ngạch xuất khẩu khả quan trong những tháng đầu năm 2022, Hội đồng quản trị FMC đưa kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm nay với nhiều chỉ tiêu tăng cao. Trong đó, tổng lượng tôm thành phẩm chế biến là 25.000 tấn, tôm thành phẩm tiêu thụ khoảng 20.000 tấn; lần lượt tăng 9% và 11,4% so với kết quả năm 2021. Doanh số chung của công ty này trong năm nay dự tính ở mức 230 triệu USD (khoảng 5.259 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế tối thiểu 320 tỷ đồng; lần lượt tăng 11,3% và 10,7% so với năm ngoái.
Trong các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu trên, ban lãnh đạo FMC tính toán đến việc tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chế biến cao, phân khúc thị trường cao cấp; coi trọng thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ, song song tìm giải pháp nâng cao thị phần ở EU, Hàn Quốc, Úc. Ngoài ra, nhà máy chế biến tôm mới của công ty này sẽ hoàn thành ở đầu quý 3 năm nay giúp mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu.
Với 6 nhà máy chế biến cá xuất khẩu, năng lực chế biến cá file 1.000 tấn/ngày, Công ty CP Vĩnh Hoàn đang xuất khẩu sản phẩm cá tra tới 46 quốc gia. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Công ty CP Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu là 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ sản lượng và giá xuất khẩu cùng tăng, hầu hết các thị trường đều hồi phục nhất là Mỹ và EU. Với tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, từ vị trí thứ 3 năm ngoái, năm nay cá tra xuất khẩu của Công ty CP Vĩnh Hoàn đã vươn lên dẫn đầu toàn ngành.
Mức tăng trưởng mạnh về doanh thu, biên lợi nhuận và lãi ròng của Công ty CP Vĩnh Hoàn cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty đang rất ổn định. Đặc biệt, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, mở cửa giao thương, nhu cầu tăng vọt ở các thị trường EU và Mỹ, tạo nên thành tích tốt cho hoạt động kinh doanh của Công ty CP Vĩnh Hoàn tại thời điểm hiện tại. Theo bà Trương Thị Lê Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục phát triển số hóa hệ thống quản lý sản xuất, công nghệ sinh học, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn tại Đồng Tháp, đại diện Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, công ty chuyên về nuôi trồng, chế biến – xuất khẩu cá tra và các mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra hàng đầu tại Việt Nam. Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi cá thịt đến chế biến và xuất khẩu thành phẩm sang nhiều thị trường trên thế giới. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, công ty xuất khẩu thành phẩm đạt trị giá gần 900 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái…
Nằm trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước, doanh thu xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) tính đến hết tháng 4/2022, đạt 44,4 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 1.644 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, đạt 45% mục tiêu cả năm. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 19% lên 32% sau 4 tháng kinh doanh. Năm 2022, NAVICO đặt kế hoạch doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng; tăng lần lượt 40% và 377% so với năm 2021.
Việc phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khảu thủy sản trong những tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Vẫn còn nhiều thách thức
Xuất khẩu khởi sắc, doanh thu tăng trưởng hai con số trong nửa đầu năm đã giúp các doanh nghiệp hồi phục sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những thách thức như chi phí sản xuất, cước vận tải, rủi ro Covid-19, giá nguyên liệu tăng cao,… vẫn là bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu trong năm nay. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, căng thẳng Nga – Ukraine khiến mọi chi phí đều tăng theo xăng. Khi chi phí sản xuất tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất, giá thủy sản xuất khẩu tăng, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, điều này ảnh hưởng đến dung lượng thị trường, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, khi giá dầu tăng sẽ đưa giá vận chuyển lên mặt bằng mới, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng là nỗi lo lớn đối với doanh nghiệp trong nửa cuối năm. Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP P.RO, từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do vậy nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Do vậy, tháng 5 và vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý 2/2022 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý 1.
Đối với mặt hàng cá tra, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp cá tra đang hoang mang khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết Covid -19 trên thuỷ sản nhập khẩu, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị trả hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì lý do Covid- 19. Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách “Zero Covid” của nước này vẫn còn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài những bài toán như chi phí sản xuất, giá cước vận tải, thẻ vàng IUU… các doanh nghiệp thủy sản còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản toàn cầu, khiến nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia chậm lại.
Bà Lê Hằng lưu ý rằng kim ngạch xuất khẩu tăng cao một phần là nhờ giá thuỷ sản xuất khẩu tăng. Đó là một tin vui nhưng theo bà cũng phải nhìn ra nguyên nhân đằng sau đó, chi phí đầu vào cao buộc các nhà nhập khẩu phải chấp nhận mua với giá cao trong khi lợi nhuận các nhà xuất khẩu cũng bị thu hẹp. “Trong bối cảnh bão giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào, tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không được như mong đợi. Bởi thẳng thắn mà nói, tốc độ tăng giá xuất khẩu không thể bằng tốc độ chi phí sản xuất, bán hàng”, bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng cho rằng, trong khi các nhà sản xuất Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Ecuador, Ấn Độ,… về nguồn cung và giá thành, các nhà quản lý cần sớm có biện pháp kiểm soát giá cả đầu vào, nếu không doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tình hình chiến sự Nga – Ukraine chưa đến hồi kết, vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay./.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU