Đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn Global G.A.P cả lý thuyết lẫn thực hành
Dù được coi là tấm hộ chiếu cho nông phẩm (sản phẩm nông nghiệp) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, tuy nhiên nếu chỉ coi Global G.A.P như một tờ giấy chứng nhận mà không đi kèm thực hành nông nghiệp tốt thì nông phẩm Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững tại thị trường tiềm năng này.
EU hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Mặc dù đã đạt thành công nhất định song việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên do chính là việc phát triển vùng trồng đạt chuẩn Global G.A.P còn chậm, do đó thiếu nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu.
Một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường EU là đáp ứng tiêu chuẩn Global G.A.P. Đối tác EU có tổ chức nghiên cứu, thống kê về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững do vậy rất quan tâm và yêu cầu cao với quy trình sản xuất nông phẩm của Việt Nam. Có một thực tiễn, doanh nghiệp Việt Nam khi không đủ số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng thu gom hàng hoá từ nhà sản xuất khác để đáp ứng đủ đơn hàng. Điều này gây e ngại và khiến nhà nhập khẩu muốn phối hợp kiểm soát chất lượng đơn hàng.
Xét về sản xuất, Global G.A.P giúp nâng cao lợi nhuận do giảm chi phí, giảm lãng phí; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Về thương mại, có Global G.A.P doanh nghiệp khẳng định được chất lượng; tạo sự tin tưởng và tiếp cận được thị trường cho dù là khó tính. Global G.A.P là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Trước tình trạng doanh nghiệp trong nước khó khăn trong việc xây dựng và đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, nguyên nhân do việc quy hoạch xây dựng trang trại chưa hợp lý; đa số chưa lập kế hoạch, quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản; chưa quan tâm đúng mức tới việc ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất; chưa quan tâm đúng mức tới phúc lợi của người lao động, vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường; chưa thường xuyên đánh giá và cải tiến quy trình sản xuất; công nhân chưa được tập huấn đầy đủ, chưa thực hiện theo đúng quy trình sản xuất đã đặt ra.
Về giải pháp khắc phục, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ các điểm kiểm soát theo tiêu chuẩn Global G.A.P; tự đánh giá nội bộ và tự cải tiến; có thể thuê chuyên gia tư vấn.
Với trở ngại hầu hết quy mô trang trại nhỏ gây tốn kém khi đánh giá và thực hành tiêu chuẩn Global G.A.P, các chuyên gia cho rằng, phương án liên kết các doanh nghiệp thành một hợp tác xã có quy mô lớn, có hệ thống quản lý là phù hợp. Khi đó, chuyên gia tiến hành đánh giá các tiêu chuẩn Global G.A.P sẽ đỡ tốn kém chi phí, đồng thời đảm bảo đủ sản lượng cho đơn hàng xuất khẩu lớn. Ngoài ra, các trang trại phải có thời gian thành lập tối thiểu 3 tháng trước khi tiến hành đánh giá. Thời điểm đánh giá xắp sếp càng gần ngày thu hoạch càng tốt.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU